Bài mới trên BÁO TỔ QUỐC

TƯỚNG GIÁP THUA TRẬN NINH BÌNH

Năm 1951, cuối tháng 4, Quân ủy CSVN điều động 3 đại đoàn 308, 320 và 304 đánh Ninh Bình, Phát Diệm. 

Đầu tháng 5, Bộ chỉ huy của Tướng Võ Nguyên Giáp đến đóng tại Châu Sơn, Ninh Bình.  Lần này hồi ký của Tướng Giáp không cho biết ai là Tư lệnh và ai là Bí thư quân ủy nhưng tại Châu Sơn có mặt Tướng Văn Tiến Dũng, Tướng Hoàng Sâm và Lê Thanh Nghị. Có thể Văn Tiến Dũng là Bí thư quân ủy.

Diễn tiến trận đánh đợt 1 

Đêm 28, rạng 29-5, quân CSVN thuộc Đại đoàn 304 chiếm đồn Cư Đa do hai trung đội phụ lực quân canh giữ, đồn nhanh chóng bị tràn ngập.  Đại đoàn 304 làm chủ tình hình Phủ Lý.  Trong đêm, đoạn đường bộ từ Nam Định đi Phủ Lý bị phá hủy, có 3 cây cầu bị đánh sập và đường bị đào 110 chỗ.

Lúc đó có 1 Liên đoàn Trừ bị của Pháp đóng tại Nam Định nhưng không thể nào tiếp viện cho Ninh Bình bằng đường bộ qua ngã Phủ Lý.  Chỉ còn một đường duy nhất từ Hà Nội đi Phủ Lý rồi đi Ninh Bình.  Đại đoàn 304 đã mở một trận phục kích tuyến rất lớn trên đoạn đường từ Phủ Lý đi Ninh Bình để chờ đánh đoàn quân tiếp viện từ Hà Nội.

Tuy nhiên không ngờ quân Pháp ở Nam Định lại tiếp cứu cho Ninh Bình bằng đường thủy, từ sông Hồng ở Hà Nội đi theo sông Nam Định đến sông Đáy là đến Ninh Bình.  Sông Nam Định rất rộng cho nên không sợ bị phục kích hai bên bờ sông.

Trong khi quân của Đại đoàn 304 bố trí trận địa tại Phủ Lý thì tại Ninh Bình  Đại đoàn 308 vượt sông Đáy kiểm soát Quốc lộ 1. Trung đoàn 102 tấn công đại đội Thân binh đóng giữ tỉnh lỵ Ninh Bình, cả đại đội bị tiêu diệt.  Hai cánh quân khác tiến chiếm Kỳ Cau và Gián Khẩu .

Được tin Ninh Bình bị tấn công;  Đại tá Gambiez, chỉ huy trưởng Phân khu Nam, cho Tiểu đoàn xung kích số 1 từ Nam Định tiến bằng đường thủy tới tiếp cứu Ninh Bình (Trong khi đó quân CSVN tại Ninh Bình tới 3 sư đoàn), cùng đi với Tiểu đoàn xung kích còn có 1 pháo đội 105 ly và 2 đại đội Biệt kích.

Tất cả di chuyển trên 9 tàu chiến của Hải Đoàn xung phong số 3, theo sông Nam Định tiến đến sông Đáy thuộc địa phận Ninh Bình, lộ trình dài 47 cây số.  Đến trưa thì đoàn tiếp viện tới Yên Phúc, cách Ninh Bình 4 cây số, đổ bộ 1 đại đội Biệt kích do Trung úy Romary chỉ huy, đại đội này tiến bằng đường bộ đến tỉnh lỵ Ninh Bình.

Đoàn tàu tiếp tục tiến tới sông Đáy vào Ninh Bình.  12 giờ trưa Tiểu đoàn 1 xung kích đổ bộ và tiến tới đơn vị mới bị đánh trong đêm trước, chỉ còn 2 binh sĩ bị thương còn sống sót.

Đến chiều Đại đội Biệt kích của Romary tới nơi được phân công tiến xuống phía nam tăng cường cho đồn Yên Cư Hạ ở phía nam Ninh Bình.  Một đại đội thuộc Tiểu đoàn xung kích số 1 được phân công chiếm đóng trên ngọn núi Thúy phía Tây thiết lộ, đaị đội này do Trung úy Bernard Delattre chỉ huy, ông đang nghỉ phép tại Hà Nội thì được tin đơn vị đi tiếp viện cho Ninh Bình thì vội trở về Nam Định nhưng Tiểu đoàn đã lên Tàu, ông lên tàu nhỏ đuổi theo và gặp đơn vị tại Ninh Bình lúc 5 giờ30 chiều.

Một đại đội thứ 2 của Tiểu đoàn 1 xung kích chiếm đóng trên ngọn núi đá phía nam bờ sông Đáy có tên là núi Non Nước.  Quân còn lại của tiểu đoàn cũng như pháo đội 105 ly và đại đội Biệt kích của Trung úy Sieffer đóng quân tại chân núi Non Nước.

Ngày 30-5, 2 giờ sáng, quân của Đại đoàn 308 CSVN tấn công cả 3 vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 1 xung kích.  Đại đội đóng trên núi Thúy bị súng cối pháo lên liên tục trong khi quân CSVN dàn sẳn dọc theo thiết lộ chuẩn bị tấn công lên núi Thúy. Các khẩu pháo binh 105 và hải pháo trên tàu phải bắn trực xạ để chống biển người.  Nhiều tàu chiến bị trúng đạn.

3 giờ 20 Trung úy Bernard Delattre và Trung úy đại đội phó Mercier bị trúng đạn pháo, cả hai tử thương, Thượng sĩ Meliot lên chỉ huy đại đội.  3 giờ 30 cả đoàn tàu phải di chuyển sang bờ phía bắc sông Đáy để tránh đạn. 4 giờ 50 quân CSVN tấn công lên núi Thúy và núi Non Nước, quân Pháp chống trả mãnh liệt, nhưng đến 6 giờ 30 thì núi Non Nước bị tràn ngập và 9 giờ sáng thì núi Thúy bị tràn ngập, cả hai đại đội đóng trên 2 núi đều bị tiêu diệt.

10 giờ sáng quân tiếp viện của Pháp đến nơi dưới sự yểm trợ của 30 máy bay phóng pháo.  Đại đội dẫn đầu quân tiếp viện gồm 200 người do Vandenberghe chỉ huy tấn công lên núi Non Nước vào lúc 10 giờ 45.  Đến 11 giờ thì Liên đoàn lưu động số 4 do Đại Tá Edon chỉ huy đổ bộ lên Ninh Bình.  12 giờ 50 quân CSVN rút lui vào các rặng núi đá vôi.  Đại đội của Vandenbergh bị chết và bị thương 64 người, đại đội trưởng bị thương.  Quân Pháp chiếm lại Thị xã Ninh Bình.

Tổng kết quân CSVN để lại 350 xác chết, 153 súng trường, 40 tiểu liên, 12 trung liên, 2 đại liên và 9 súng cối.  Phía quân Pháp bị chết và bị thương gần 1.000 người, nhiều đại bác bị phá hủy và nhiều tàu chiến bị hư hại.  5 giờ chiều Đại tướng Jean Delattre de Tassiny đón thi hài con tại Hà Nội, Trung úy Bernard Delattre de Tassiny, 23 tuổi.

Diễn tiến trận đánh đợt 2 

Năm 1951, ngày 4-6, Sau 4 ngày rút vào núi để củng cố lực lượng, quân CSVN đồng loạt tấn công đồn Yên Cư Hạ, thị trấn Yên Phúc và đoàn tàu chiến đang trú đóng tại Ninh Bình.

Đồn Yên Cư Hạ, còn gọi là đồn Chùa Cao, nằm vào phía nam tỉnh lỵ Ninh Bình, trấn giữ cửa ngõ đi vào Thanh Hóa.  Đồn được xây cất kiên cố bằng bê tông, gồm một pháo đài chính và 3 pháo đài phụ.  Trước đây đồn được trấn giữ bởi 1 đại đội Phụ lực quân, đến khi quân tiếp viện đến giải tỏa Ninh Bình thì tăng cường thêm 1 đại đội Biệt kích của Trung úy Romary.

Lúc này thì các đồn Ninh Bình được yểm trợ bởi Liên đoàn 4 của Đại tá Edon trấn đóng tại bãi đổ bộ dưới chân núi Non Nước cùng với các tàu chiến neo tại bờ phía nam sông Đáy.  Giữa Ninh Bình và đồn Yên Cư Hạ là thị trấn Yên Phúc.  Giờ đây đồn Yên Cư Hạ trở thành điểm và Yên Phúc, Ninh Bình trở thành diện .

Ngày 4-6, lúc 0giờ 30, Trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 pháo kích vào đồn Yên Cư Hạ.  Đến 2 giờ sáng ngưng pháo, đặc công xung phong áp sát 1 pháo đài phụ và cho nổ pháo đài bằng thủ pháo.  Sau đó từ pháo đài phụ, quân CSVN tràn về phía pháo đài chính nhưng bị đẩy lui.  Pháo binh của Pháp từ chân núi Non Nước bắn yểm trợ xung quanh đồn cho tới 5 giờ sáng thì ngưng yểm trợ vì quân Việt Minh pháo 120 ly vào tỉnh lỵ Ninh Bình cũng như các vị trí đóng quân của Liên Đoàn 4.

Cùng lúc này thì hai trung đoàn 102 và 36 của Đại đoàn 308 phục kích chận viện tại thị trấn Yên Phúc, trên đường từ Ninh Bình đi Yên Cư Hạ. Tuy nhiên quân tiếp viện của Liên đoàn 4 lại đi trên tàu thủy nên quân của 308 dùng đại bác không giật bắn vào đoàn tàu chiến. Tàu lớn nhất là LSSL6 bị trúng tới 7 phát đạn đại bác nhưng không hề gì.

 Đến 7 giờ sáng quân CSVN xung phong tấn công đồn Yên Cư Hạ lần nữa, chiếm được pháo đài chính và thêm 1 pháo đài phụ.  Đến 9 giờ sáng thì quân tiếp viện của Liên đoàn 4 được tàu thủy chở đến Yên Cư Hạ. Tàu Pháp bắn thẳng vào chiếc đồn đổ nát và một đại đội của Tiểu đoàn 8 Nhảy dù đổ bộ tiến vào đồn, quân Việt Minh cố thủ trong đồn dưới hỏa lực đại bác bắn trực xạ từ dưới tàu lên.

Cuối cùng toán quân CSVN cố thủ trong đồn còn lại 55 người phải ra hàng và để lại trong đồn 23 xác, còn khu vực xung quanh đồn là 200 xác.  Nguyên 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 88 bị xóa sổ. Về phía Pháp thì 2 đại đội phòng thủ gần 400 người chỉ còn lại vài chục;  Trung úy Romary bị thương nặng.

Sáng ngày 5, Tướng CSVN Hoàng Văn Thái xuống Yên Cư Hạ tìm hiểu tình hình thất bại của Trung đoàn 88.  Hồi ký của Tướng Giáp:  “Trung đoàn 88 là đơn vị công kiên giỏi của 308 đã nhiều lần tiêu diệt những vị trí Âu Phi trên đường số 4 trong vòng 1 giờ. Tôi nghĩ không phải chỉ vì một số khuyết điểm trong công tác chuẩn bị như phái viên đã về báo cáo, cũng không phải vì anh em quá mệt mỏi. 

Khó khăn lớn nằm ở chỗ khác.  Đó là do thủ đoạn đối phó của địch thay đổi.  Với khả năng bắn chính xác của pháo binh, địch đã tập trung pháo ngăn chận những đợt tiến công ban đêm vào vị trí, kéo dài cho tới lúc viện binh và không quân can thiệp” (Đường tới Điện Biên Phủ, in lần 2, trang 197).

Tướng Giáp cho rằng bị thua vì đạn pháo binh của Pháp bắn chính xác mà ông giấu đi sự thật là lính Pháp nằm dưới hầm bê tông, cho nên khi đạn pháo nổ chụp lên đồn thì chỉ có quân CSVN ở trên mặt đất bị chết mà thôi.  Dĩ nhiên khi thiết lập đồn thì quân Pháp đã có tọa độ chính xác và đã cho pháo binh bắn điều chỉnh từ trước.  Những điều này thì bất cứ một sĩ quan chỉ huy nào cũng được học ngay trong trường võ bị.  Đáng tiếc là Tướng VNG không được biết bởi vì ông không tốt nghiệp một trường quân sự nào (sic).

Ngày 20-6, Văn Tiến Dũng kết thúc chiến dịch.  Theo hồi ký Võ Nguyên Giáp thì thiệt hại giữa ta và địch là ta 1, địch 1,2.  Tỉ số 1 trên 1,2 chỉ là để biến cái thua trận thành thắng trận.  Tuy nhiên không ai tin cái tỉ số này, cho nên vào năm 1999 đài BBC cho phổ biến tài liệu của TQ do giáo sư Quang Zhai của HK sưu tầm :

“Tháng giêng năm 1951, Tướng Giáp cho tấn công Vĩnh Yên, cách Hà Nội 37 dặm, áp dụng chiến thuật biển người đang được Trung Quốc dùng tại Triều Tiên. Tướng Jean Delattre de Tassigny, Tổng tư lệnh Pháp tại Đông Dương, đưa quân phản kích, dùng cả bom Napalm, Việt Minh tổn thất ít nhất 6.000 chiến sĩ.  Đến tháng Ba, trận tấn công tại Mạo Khê, gần Hải Phòng, lại thất bại.

Cùng một định mệnh rơi xuống cho quân Việt Minh trong tháng Năm khi họ đánh Phủ Lý và Ninh Bình. Các trận đánh này với sự đồng ý của các cố vấn Trung Quốc. Và thất bại khiến cố vấn Trung Quốc nhận ra họ phải thực tế và thận trọng hơn” ( Tài liệu của BBC Vietnammese.com/ chuyên đề/lịch sử Việt Nam ).

BÙI ANH TRINH

Quảng cáo/Rao vặt

1 Comment on TƯỚNG GIÁP THUA TRẬN NINH BÌNH

  1. THÂN PHU YẾU THẬN
    Môi bôi mỡ mép trét dầu
    Củ lẳng ăn đầu sắt thép kẹp sau
    Mì tôm xã đớp trên cầu
    Trung ương vi cá yến sào ưu tiên
    Quỹ đen ác phụ không hiền nắn bóp vô tiền khoáng hậu điều nghiên
    Mất xơi một miếng phát điên
    Dư lợn viên ủn khôn liền “mát xa”
    Chán cơm thèm phở lập là giống cái đổ bà chê ỏng khen eo
    Sì sì hắc sổ bầy mèo chủ nhà đe dọa chuồng heo giường lèo
    Phu quân bộ dạng tỏng teo
    Đổ thừa hoạn lộ xóa nghèo Ô kê
    Nước non một cõi đi về thượng nguồn đẵm thủy ê chề tại gia
    Ngày xưa gầy cuộc can qua ngày ba đêm bảy dâm ma kiến sầu
    Bữa nay lạc vũ cô đầu
    Tinh binh hùng khí vũng trâu hồ đầm
    Vuốt hồng cáy luộc sâm cầm gà tơ chốt chặn vào lầm cửa sương
    TÂM THANH

    Thích

1 Trackback / Pingback

  1. de Lattre's Line #1: Day River Campaign – Campaign Series Legion

Góp ý, Thảo luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.