Bài mới trên BÁO TỔ QUỐC

TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ, PHONG CÁCH CHỈ HUY CỦA TƯỚNG GIÁP

Đổ cho cấp dưới

Hồi ký của Võ Nguyên Giáp kể lại về sau này, khi Nguyễn Hữu An trở thành Tư lệnh sư đoàn 325, gặp lại Võ Nguyên Giáp tại Đồng Hới, Tướng An vẫn còn ức vì chuyện bị đổ tội do chậm khai hỏa trong trận tấn công đầu tiên vào Eliance 2.  Ông phân trần với ông Giáp là lúc đó đường dây điện thoại bị pháo cắt đứt cho nên ông không nhận được lệnh tấn công.

Nghe như vậy Tướng Giáp giả vờ ngạc nhiên:  “Sao ngày đó cậu không nói ngay?” (Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, in lần 2, trang 281) rồi ông nói sang chuyện khác.  Nhưng nếu lật ngược lại trang 265 thì ngay lúc diễn ra trận đánh Võ Nguyên Giáp đã biết là Nguyễn Hữu An bị đứt đường dây điện thoại:

“Chờ mãi vẫn chưa có tin A1 và các mũi thọc sâu.  Hỏi 316, đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba báo cáo:  từ đầu trận đánh không liên lạc được với 174 do đường dây điện thoại bị đại bác cắt đứt, đang cho nối lại…” (trang 265).  Như vậy là ngay từ đầu ông đã biết Nguyễn Hữu An không có lỗi gì cả.

Cuộc tổng tấn công bị thất bại là do các chuyên gia TC không tính tới sức kháng cự mãnh liệt của Đại đội 1/5 Dù Việt Nam với 4 khẩu 105 ly bằn trực xạ khiến cho nguyên trung đoàn 167 CSVN bị tiêu diệt tại đồn Huguette 7.  Còn tại mặt phụ thì các chuyên gia không ngờ có một hầm ngầm bằng bê tông trên đồn Eliance 2.

Lẽ ra trong hội nghị sơ kết các cố vấn phải nhận khuyết điểm về mình trước, nhưng thói đời không có ai tự nhiên nhận khuyết điểm về mình cả cho nên họ đổ lỗi cho Tướng Giáp là đã ra lệnh cho Đại đoàn 308 tấn công vào Huguette 7 trong khi chưa chiếm được Eliance 2. Theo kế hạch tác chiến của các chuyên gia TC thì Tướng Giáp sẽ ra lệnh cho Tướng Vương Thừa Vũ tấn công sau khi biết chắc đã chiếm được 4 đồn mặt Đông, gồm cả Eliance 2.

Trước lời phê bình của các chuyên gia, Tướng Giáp đành phải đổ cho Nguyễn Hữu An.  Ông ta nói rằng trước khi tấn công thì ông An cam kết sẽ chiếm Eliance 2 trong vòng 2 tiếng đồng hồ cho nên ông ta đợi đúng 2 tiếng đồng hồ thì mới cho lệnh tấn công Huguette 7.  Tướng Giáp dẫn chứng nguyên văn lời Nguyễn Hữu An:

Tôi lại hỏi: – Các đồng chí có tin tưởng không?/ Vũ Lăng nhanh nhảu: – Báo cáo anh, tin tưởng nhất định làm được./ – Đánh C1 ( tức là Eliance 1 ) trong bao lâu?  – Xin anh 45 phút./  – Có thể để hẳn cho đồng chí một tiếng./ 

Tôi quay sang Nguyễn Hữu An: – Còn A 1 ( tức là Eliance 2 ), Đồng chí cần bao nhiêu thời gian?/  Mức thời gian Vũ Lăng đặt cho đơn vị mình làm cho Nguyễn Hữu An hơi lúng túng. – A 1 khó hơn, hai tiếng, đồng chí làm được không?/  Nguyễn Hữu An vui vẻ đáp: – Báo cáo, làm được./” (trang 262).

Nhờ dẫn chứng này mà người ta thấy được phong cách chỉ huy “trời ơi đất hỡi” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.  Đánh trận cũng như thi đấu thể thao, trước một địch thủ kinh nghiệm hơn mình, được trang bị hơn mình, lại chiếm thượng phong trong tư thế phòng thủ, không ai nắm chắc được thắng lợi chứ đừng nói là chiến thắng trong mấy giờ hay mấy phút.

Thế nhưng “thiên tài quân sự” Võ Nguyên Giáp đã làm như thế, ông ta ấn định trước thời hạn phải chiến thắng là 2 tiếng đồng hồ cho Nguyễn Hữu An đối với một cái đồn mà sau này phải do Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ rồi Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba đích thân chỉ huy chỉ hạ được vào giờ phút cuối của trận chiến, nghĩa là 37 ngày sau, tức là 888 giờ sau, gấp 400 lần mức ấn định của Võ Nguyên Giáp.

 Bắt cấp dưới phải nhận lỗi thay cho mình

 Ngày 2-4-1954 Trung đoàn trưởng Hùng Sinh dẫn 2.500 quân tấn công đồn Eliance 2 và cuối cùng thì cả trung đoàn 2.500 người chỉ còn 50 người;  nhưng hồi ký của Tường Giáp cho thấy ông ta đối xử với Hùng Sinh như thế nào vào sáng hôm sau

“Hùng Sinh cao lớn bước vào với một chiếc băng trên trán và đôi mắt sâu trũng vì thiếu ngủ.  Tôi hỏi – Vết thương thế nào?/ – Thưa, vết xước mãnh đạn thôi, băng để tránh  nhiểm trùng./  Tôi nói  – Tin tức ở đây nắm được thì quân địch ở A1 ( Pháp gọi là Eliance 2 ) tổn thất rất nhiều, có lúc bọn chỉ huy Mường Thanh tưởng là đã mất A1!  Tại sao các đồng chí đánh mãi vẫn không giải quyết được?/  – Báo cáo anh, chúng tôi rất cố gắng nhưng vướng phải cái hầm ngầm trên đỉnh đòi.  Anh em đã đặt vào đó 80 kilôgam bộc phá giật nổ, nhưng nó vẫn trơ trơ./  – Sao không tìm cửa hầm mà đánh vào?/… “

Con người ta đánh suốt 1 ngày 2 đêm, đến nỗi 2.500 người chỉ còn 50 người, thế mà ông Tướng lại còn hạch “Tại sao các anh không giải quyết được?”. Dĩ nhiên ông Tướng thừa biết nguyên do không hoàn thành kế hoạch là vì cái hầm ngầm, ông biết ngay lúc trận đánh đang diễn ra bởi vì chính ông đích thân chỉ huy và ra lệnh trên điện thoại trong suốt trận đánh.

Chắc chắn câu này đã được hỏi rất nhiều lần và được trả lời rất nhiều lần trong khi trận đánh đang diễn ra.  Như vậy câu hỏi lần này không phải là hỏi để biết, mà là hỏi để khiển trách theo lối phủ đầu.  Tuy nhiên nếu phân tích kỹ thì đây là một câu khiển trách rất vô trách nhiệm, ông Tướng muốn đổ hết trách nhiệm cho thuộc cấp.  Hễ đánh không được là do các anh chứ không phải do tôi.

Lẽ ra ngay khi trận đánh đang diễn ra, biết được kế hoạch bị khựng lại vì cái hầm ngầm thì ông Tướng phải ngay tức khắc ra lệnh cho công binh sử dụng biện pháp kỹ thuật hoặc ra lệnh sử dụng cảm tử quân giải quyết bằng chiến thuật đặc công, hoặc ra lệnh rút ra rồi bao vây để cô lập và vô hiệu hóa đồn A1.  Có rất nhiều biện pháp từ hay đến dở để giải quyết, nhưng đằng này ông Tướng không có được một lệnh, cho dù là một lệnh rất dở.

Rồi sau khi được Hùng Sinh xác nhận là tại cái hầm ngầm thì ông Tướng lại hỏi : “Sao không tìm cửa hầm mà đánh vào?”.  Đây là một câu hạch sách vô tội vạ, chứng tỏ ông Giáp không xứng đáng là một sĩ quan chỉ huy.  Câu hỏi giống như của một đứa bé con.  Dĩ nhiên là khi đánh một cái hầm ngầm thì ai cũng phải tìm cửa hầm mà đánh vào chứ đâu có ai đào hang dưới đáy hầm mà đánh lên.

Cho nên đây chỉ là một câu phủ đầu nhằm trấn áp Hùng Sinh, có nghĩa là “Hễ ông không biết đánh vào bằng ngõ cửa hầm thì tức là ông không xứng đáng là trung đoàn trưởng, một đứa bé con nó cũng biết là phải tìm cửa hầm mà đánh vào”.  Dĩ nhiên nghe như vậy thì ông Hùng Sinh hoảng quá và vội thanh minh rằng ông ta có tìm cửa hầm chứ, nhưng tìm không ra.

 Và cũng vì vội vàng thanh minh cho mình mà ông Hùng Sinh quên hỏi lại cái câu hỏi mà đúng ra Hùng Sinh phải hỏi ngay từ đầu là :

“Ông giao cho tôi đánh cái đồn có cái hầm ngầm bằng bê tông mà tại sao ông không cho tôi biết trước để tôi chuẩn bị đồ nghề, hoặc chuẩn bị quân, hoặc nghiên cứu trước cách đánh.  Đằng này khi tôi phát hiện ra sự kiện bất ngờ này thì ông cũng chẳng giúp cho tôi một ý kiến nào cả mà ông chỉ hô tôi tiến lên là sao? Vậy thì tôi chỉ theo lệnh ông mà tiến lên cho nên quân của tôi 2.500 chỉ còn có 50 đứa và bản thân tôi cũng bị thương như ông thấy đây”.

Nếu hỏi được như vậy thì Hùng Sinh “ngon” rồi nhưng rõ ràng là Hùng Sinh thua trí một tay láu cá, cuối cùng ông vẫn nghĩ rằng mình có tội đối với Tổng Tư lệnh.

Chỉ huy đầy kịch tính

Một đoạn hồi ức của tướng Lê Trọng Tấn chứng minh cách chỉ huy đầy kịch tính của Tướng Giáp  khi ông ra lệnh khai hỏa tấn công đồn Béatric:  “Tôi nghe rõ tiếng Đại tướng Chỉ huy trưởng vang lên trong máy:  “Pháo binh đã sẵn sàng cả chưa?/”  – “Báo cáo tất cả đã sẵn sàng chờ lệnh đồng chí./”  –  “Bộ chỉ huy chiến dịch đồng ý với các để nghị của các đồng chí.  Trận mở đầu mở màn cho chiến dịch lịch sử, tôi hạ lệnh cho các đồng chí:  bắn trúng, bắn nhanh, bắn mạnh./”.  Chiến dịch lịch sử bắt đầu, tôi nhìn đồng hồ 17 giờ 10 phút”.

Theo nguyên tắc chiến thuật cơ bản của bất cứ một trường đào tạo sĩ quan nào thì việc ra lệnh bắn ( khẩu lệnh tác xạ ) là lệnh của ông hạ sĩ quan khẩu đội trưởng súng đại bác chứ không phải của ông tướng. Còn lệnh khai hỏa là lệnh của ông Tiểu đoàn trưởng có mặt ngay tại trận địa chứ không phải của cái ông ngồi ở hậu cứ.

Ngoài ra bất cứ một người xạ thủ pháo binh nào cũng luôn luôn thao tác nhanh với tất cả khả năng mà họ có, không cần ông tướng phải ra lệnh. Và lúc nào cũng chủ tâm bắn trúng chứ không phải đợi có lệnh của ông tướng mới chịu bắn trúng.  Hơn nữa, bắn mạnh nghĩa là thế nào?  Một khẩu súng đại bác bắn mạnh hay yếu là tùy theo lượng thuốc nạp, mà lượng thuốc nạp nhiều hay ít là tùy theo mục tiêu ở xa hay ở gần.

Không ai biết bắn mạnh nghĩa là thế nào. Tuy nhiên cũng nhờ có lệnh như vậy người ta mới biết ngoài lệnh bắn trúng còn có lệnh… bắn trật, ngoài lệnh bắn nhanh còn có lệnh… bắn chậm, ngoài lệnh bắn mạnh còn có lệnh… bắn yếu.  Chẳng qua là ra một cái lệnh cho có để ghi lại cái giây phút hạ lệnh “vô cùng thiêng liêng” đối với lịch sử.

Không bao giờ nhận khuyết điểm  

Ngoài cách đổ lỗi cho thuộc cấp, Tướng Giáp luôn luôn bào chữa cho các sai sót của mình nghe rất xuôi tai. Ví dụ như trong trận tổng tấn công:  Ngay ngày đầu ông đã chiếm được cao điểm Dominique 1, đây là một vị trí lý tưởng để bố trí pháo binh bắn trực xạ vào trung tâm phòng thủ của Căn cứ Điện Biên Phủ. Thế mà ông không biết lợi dụng vị trí này mà ra lệnh cho bộ binh chiếm giữ.

Sau này các  nhà quân sự  Quốc tế đã đến thăm trận địa Điện Biên Phủ và họ thấy ngay lợi thế của đồi này và họ viết báo nêu thắc mắc :

“Sau này, một số nhà quân sự nước bạn tới thăm Điện Biên Phủ, khi đi nghiên cứu địa hình khu Đông thường cho rằng cao điểm quan trọng nhất là đồi E.  Đồi E và đồi D1 cao nhất trong dãy đồi phía Đông, khống chế cả khu trung tâm.  Đúng là khi chiếm được những vị trí này ta có một lợi thế trong tay, nhưng lại không có điều kiện triệt để khai thác lợi thế đó” ( Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Điểm Hẹn Lịch Sử, bản in lần 2 trang 297).

Mới nghe qua thì lời bào chữa này nghe cũng xong, nhưng nghĩ lại thì ông không giải thích vì sao ông không có điều kiện để biết khai thác triệt để.  Phải chăng ông không có điều kiện để theo học một trường lớp quân sự nào cho nên ông không biết?  Phải chăng ông không có điều kiện làm một người lính thực sự lăn lộn ngoài chiến trường cho nên ông không biết?

So lại với cung cách chỉ huy của Quân đội Việt Nam Cọng Hòa thì  không bao giờ người làm Tướng lại có cái cách đổ lỗi phủ đầu cho thuộc cấp.

Tướng Phan Đình Thứ  ( Lam Sơn ) là người nổi tiếng nghiêm khắc với các sĩ quan thuộc quyền nhưng vì xuất thân là một Cử nhân Văn chương cho nên các lời khiển trách của ông rất lịch sự.  Nhưng mỗi khi ông lên tiếng là chết lý, người bị khiển trách tự thấy tội của mình rõ ràng không thể chối được, và không bao giờ có ý nghĩ ông Tướng trách oan mình, chỉ biết tự trách mình quá dở.

Một ông tướng khác nổi tiếng là mỗi khi nóng giận ưa chưởi thề và hay dùng lời lẽ thô tục là Tướng Nguyễn Văn Toàn.  Tuy nhiên ông chỉ nổi nóng lên khi cái lỗi của đối tượng rõ ràng là quá tệ.  Nhưng mỗi khi như vậy ông chỉ chưởi thề một mình và có cử chỉ vò đầu bứt tai chứ không bao giờ ông trách người phạm lỗi.

Còn đối với các lỗi do diễn biến bất ngờ không lường trước thì không bao giờ ông quy thành lỗi. Trái lại đối với các thuộc cấp bị sơ hở do thiếu kinh nghiệm luôn luôn được tướng Toàn chia sẻ như là lỗi của chính ông, ông ưa hỏi:  “Vì sao mà đến nỗi như rứa hả toa?”.  “Toa” là một tiếng thân mật mà ông thường dùng để gọi cấp dưới của mình.

Và một ông tướng khác nổi tiếng độc đoán là ông Đỗ Cao Trí, ông ra lệnh rất dứt khoát cho nên ông không ưa những câu nói dông dài hay nói loanh quanh.  Trong các buổi họp hành quân ông luôn luôn ngồi im nghe thuộc cấp trình bày trước.  Sau đó ông thường nói :  “Có ai có ý kiến gì nữa không?  Nếu không thì tới phiên tôi, tôi quyết định như thế này, như thế này…”.

Sau khi ông đã quyết định mà có ai lên tiếng thêm ý kiến thì ông gạt phăng, ông nói : “Các ông đã cho ý kiến xong thì tôi mới quyết định. Và tôi đã quyết định thì tôi chịu trách nhiệm, nhưng nếu quyết định của tôi bị sai do vì các ông cho ý kiến sai thì các ông sẽ lãnh đủ với tôi”.

Chỉ có phong thái chỉ huy như vậy mới được chọn làm tướng, mới được binh sĩ và sĩ quan dưới quyền hết lòng kính phục. Còn phong thái của ông Tổng tư lệnh Quân đội CSVN trông giống như một ông tướng thời Chiến Quốc bên Tàu, hễ thắng trận thì lãnh hết vinh quang, còn bại trận thì lôi đầu các tướng tá dưới quyền ra mà chém.

BÙI ANH TRINH

Quảng cáo/Rao vặt

8 Comments on TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ, PHONG CÁCH CHỈ HUY CỦA TƯỚNG GIÁP

  1. VNG có giỏi về quân sự hay không cứ xem trận Khe Sanh thì rõ. VNG đem 3 sư đoàn vây Khe Sanh ,định biến Khe Sanh thành Diện Biên Phủ thứ hai nhằm bẻ gãy tinh thần người Mỹ,bất chấp không lưc Mỹ không giống không lực Pháp hồi 1954 ở ĐBP. Kết quả thế nào thì hẳn ông Trung sĩ nhất quân y Thanh biết rõ. Tôi không nhớ nhà văn nào đã nói câu này: “Đạo làm tướng không phải là chơi trò may rũi trên sinh mạng người lính” . Nướng quân một cách vô tội vạ như VNG là việc bất kỳ một tên tào lao nào cũng làm được nhưng danh tướng thì không.

    Thích

  2. Tran Canh . La qui Ba , Vi quoc Thanh , ba ten dau nao Co van quan su Cho Vo nguyen Giap , la qui Ba la Uy vien trung uong Dang cua Tau , Tran Canh la mot Danh tuong cua Tau , khg co ly do gi ma Tran dien bien phu ma Tran canh khg gop mat , ong dung che nguoi khac dot su , hay nhin lai minh di , cho rang Vi quoc Thanh va La qui Ba quyet dinh Chien thuat tan cong Bien nguoi , nhung Giap da thay doi sau khi co su gop y cua Tran canh , khg tan cong bien nguoi , tai lieu sach vo con do chiu kho doc thi biet chang co ai dot dau Ong./

    Thích

    • Coi lai sach cua VNG di roi hay noi. Theo sach cua VNG thi tran Dien bien phu khong co Tran Canh. Biet gi ve quan su ma cu noi bua

      Thích

    • Nam 1954 Tran Canh dang chi huy mot lo binh cua Trung cong tai Bac Trieu Tien thi lay gi gop mat o DBP?
      Da biet VNG duoi quyen chi huy cua cac tuong TC ma cu mot hai ca ngoi VNG tai gioi.
      Da biet VNG danh Phap la danh cho TC ma cu ho hao dung ve phia VNG.
      Da biet Le Duan danh My la danh cho LX,TC ma cu keu goi moi nguoi dung ben Le Duan du la Quoc Gia hay CS. Co ngu thi cung ngu vua vua thoi chu.

      Thích

  3. Ông biết tôi trung sỉ nhất quân y ha ha đúng là tên khách . lầm rồi bạn . Ít nhất ông G củng là mấy tên Tuóng pháp và Mỳ than bại danh liệt , chưa chắc Trần canh là người đầu nảo của trận điện biên cứ tin vào thăng Tàu ,đi bạn , đồng ý Tàu nó chi viện cho Việt minh nhưng chiến thắng điện biên theo sử gia phạm văn sơn là chiến thắng cả Dân tộc Vn đừng chối bỏ , dù là quốc gia hay cộng sản , ông đứng bên nào? Tiếp tay Pháp hay Việt minh ?

    Thích

    • Hay doc hoi ky Dien bien phu,diem hen lich su cua VNG di, throng do se thay VNG tu thu nhan moi chuyen tai DBP ong ta da xin lenh cua Vi Quoc Thanh nhu the nao, nam chung mot can ham voi Vi Quoc Thanh nhu the nao. Con Tran Canh la ngoi chi huy Tran Cao Bac Lang chu khong phai tran DBP. Dot dac ve lich su, dot dac ve tham muu hanh quan ma cung bay dat ban chuyen quan su.
      Dai ta Pham Van Son Chet throng trai tu cai tao nam 1978 thi lam sao ong ta biet tran DBP do tuong Vi Quoc Thanh cua Trung cong chi huy. Trong khi do den nam 1982 ca the gioi moi biet duoc. Sau do thi chinh VNG viet sach tu thu nhan.
      Lich su dung ve phia su that chu khong dung ve phia nhung ke bip bom, lua doi nhan dan. Csvn lay mau cua nhan Dan VN de xay duong vinh quang cho ho thi tai sao toi lai phai dung ve phia ho. Toi hoan nghenh tac gia da dem su that tra lai cho lich su

      Thích

  4. Như vậy ai vinh danh Vỏ nguyên à giáp là danh tướng thế giới? Chính người Nhật củng kham phục ông Giáp , và các Tuóng lảnh Mỳ củng nể nang ông G khi đối đầu với nhau, nếu ông G tệ như ông Trinh viết thì người Mỳ sao khg thắng nổi cuộc chiến Vn nếu đánh nhau bằng chiến tranh Du kích ,sau nầy csvn đánh bằng chiến tranh Quy ước , thì Vnch thua trận tại sao? Khg lẻ đổ lồi cho người Mỳ cúp viện trợ ? Tóm lại chúng ta Chê ông Giáp nhưng cái lạ là ông Ta được tôn vinh là danh Tướng tôi thấy hơi bất thường , đồng ý ông ta chưa tốt nghiệp truòng đạo tạo sỉ quan Hoàng phố, nhưng kiến thức quan sự có thể cho là bẩm sinh ? Với Tuong Nguyền sơn Ông G thua xa , như vậy mà ông Ta vang danh cung lạ .nguòi cs có thể phong thánh bất kỳ ai nếu họ muốn ha ha ha Ong Trinh ơi chúc sỉ quan ban 3 chưa đủ sức viết Quân sử , ông viết tào lao quá

    Thích

    • Ho ne phuc ong Giap vi ho khong biet tran dien bien phu la do tuong ta trung cong chi huy. Ho khong biet Le Duan chi huy cac tran Mau Than va Mua he 1972. Gio day thi ho biet roi, vi biet roi cho nen Chang ai coi tuong Giap ra gi ca. Noi cai chuyen ong dai tuong chiu xuong lam chu nhiem uy ban cai de thi du biet khi phach cua ong tuong nhu the nao roi.
      Ong Thanh la trung si nhat quan y thi biet gi ve tham muu hanh quan ma ban

      Thích

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ, PHONG CÁCH CHỈ HUY CỦA VÕ NGUYÊN GIÁP – biển xưa
  2. TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ, PHONG CÁCH CHỈ HUY CỦA VÕ NGUYÊN GIÁP – dòng sông cũ
  3. TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ, PHONG CÁCH CHỈ HUY CỦA VÕ NGUYÊN GIÁP – Bến cũ
  4. TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ, PHONG CÁCH CHỈ HUY CỦA VÕ NGUYÊN GIÁP – Bến xưa

Góp ý, Thảo luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.